Những năm gần đây, thế giới luôn có nhiều biến động kinh tế và chính trị khiến cho các hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Gần nhất có lẽ là dịch bệnh Covid 19 không chỉ khiến cho hàng triệu người chết mà còn đình trệ kinh tế trong thời gian dài. Thêm vào đó là các diễn biến chiến tranh của hai nước Nga và Ukraine càng làm căng thẳng kinh tế và chính trị leo thang.
Diễn biến thị trường inox công nghiệp thế giới sau dịch Covid 19
Năm 2022 là một năm đầy biến động với kinh tế và chính trị toàn thế giới khi các cuộc chiến tranh giữa các nước đã diễn ra. Đầu năm 2022, sự việc Nga tuyên bố giao tranh với Ukraine khiến cho các nước trên thế giới phẫn nộ, đặc biệt là các nước thuộc châu Âu. Sự phẫn nộ được phương Tây thể hiện qua các chính sách trừng phạt liên minh cấm vận Nga. Để trả đũa cho lệnh trừng phạt này, tổng thống Putin đã ra lệnh cắt giảm khí đốt nên đã gây ra thiệt hại cho khu vực Châu Âu. Một trong những thiệt hại cho ngành thép không gỉ Châu Âu chính là 3 triệu tấn thép đang đứng trước rủi ro không thể sản xuất vì chi phí năng lượng tăng mạnh nên các nhà máy không đủ khả năng để hoạt động. Các nhà máy bắt đầu giảm sản lượng do chi phí năng lượng tăng cao và nhu cầu từ các nhà cung cấp có xu hướng yếu đi.
Một lượng hàng tồn lớn được các nhà cung cấp đầu cơ khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraine đã dấy lên những lo ngại về mất cân bằng cung cầu. Cụ thể rằng hàng tồn kho đang tăng nhưng mức tiêu thụ cuối năm giảm mạnh.
Về hoạt động sản xuất thép không gỉ của khu vực Châu Á, Trung Quốc sẽ giảm sản lượng trong cuối năm vì dịch Covid vẫn còn diễn ra tại đất nước này. Các biện pháp tài chính được công bố để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản Trung Quốc nhưng nhu cầu cơ bản vẫn yếu khiến cho ngành thép không gỉ cũng ảnh hưởng theo. Diễn biến ngành thép không gỉ của Đài Loan và Indonesia cũng đang rơi vào tình huống tương tự Trung Quốc. Riêng Indonesia đang diễn ra tình trạng thiếu nguyên liệu chính để sản xuất thép không gỉ là gang Niken. Tại Hàn Quốc, do thiệt hại liên quan đến thời tiết của nhà máy sản xuất thép POSCO nên sản lượng có xu hướng giảm từ tháng 7 đến tháng 9. Mặc dù có kế hoạch nhanh chóng đưa các cơ sở trở lại hoạt động nhưng sẽ là một bài toán khó để hồi phục trong ba tháng cuối năm. Điểm sáng ở Châu Á có lẽ là Nhật Bản, nước này vẫn đang duy trì lượng cung cầu khá ổn định nên không gặp nhiều khó khăn như những nước thành viên Châu Á .
Ngoài ra, tin tức về vụ kiện chống bán phá giá thép không gỉ thất bại tại tòa án EU cũng là một trong những vấn đề nóng trong năm 2022. Vụ kiện do Hiệp hội các nhà nhập khẩu và phân phối kim loại không tích hợp châu Âu (Euranimi) đưa ra nhằm hủy bỏ biện pháp chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Đài Loan đã bị tòa án bãi bỏ. Theo Steel News, đã có tin tức về việc đình chỉ giá thép không gỉ ở một số khu vực châu Á do giá Niken và Ferro-molypden tăng mạnh. Giá Niken châu Á trên thị trường dao động 32.500 USD/ tấn và Ferro-molypden tăng hơn 50.000 USD/ tấn. Cả hai đều là những nguyên liệu quan trọng trong quy trình sản xuất các loại thép không gỉ như 316, 316L và các loại thép khác.
Diễn biến thị trường inox công nghiệp trong nước sau dịch Covid 19
Sau gần 3 năm chống chọi với dịch Covid 19 và trải qua những quãng thời gian lockdown khó khăn về mọi mặt, hiện tại Việt Nam gần như đã được kiểm soát dịch bệnh thành công. Các hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường nhưng các tàn dư sau khó khăn vẫn chưa được khắc phục. Việc đình trệ sản xuất trong nhiều tháng khiến cho kinh tế đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi.
Theo Bản tin Hiệp hội Thép tháng 7/2022, một trong những lo ngại lớn của ngành thép nói chung và ngành thép không gỉ nói riêng là một cuộc suy thoái toàn cầu sắp diễn ra. Các dẫn chứng cho nhận định này là xu hướng giảm giá thép trong những tháng gần đây đã cho thấy nhu cầu sử dụng thép đang giảm. Tình hình tiêu thụ thép tại Việt Nam được ghi nhận khi năm 2022 được dự kiến sẽ tăng trưởng âm so với năm 2021.
Một diễn biến mới nhất vào tháng 11 năm 2022 là công văn từ Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ Việt Nam sẽ được gửi đến toàn doanh nghiệp thuộc ngành thép không gỉ. Nội dung của công văn đưa ra các thông báo rằng VN sẽ bắt đầu áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) đối với sản phẩm thép không gỉ. Cụ thể hơn, việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối các dòng thép không đạt tiêu chuẩn sẽ bị cấm.
Một số nhà máy Trung Quốc và Ấn Độ giảm hàm lượng Niken và Crôm nhằm giảm giá thành để tạo ra dòng sản phẩm mác thép không gỉ series 200 cấp thấp, kém chất lượng. Sản phẩm này thậm chí không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc và Ấn Độ. Chính vì thế mà dòng thép không đạt tiêu chuẩn này cũng sẽ bị cấm nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam từ ngày 1.1.2023. Đây sẽ là một thông tin gây khó khăn cho các nhà phân phối dòng thép không gỉ này khi chỉ còn một tháng nữa là đến thời hạn thực thi Quy chuẩn kỹ thuật này. Nhưng đối với các doanh nghiệp kinh doanh các dòng thép không gỉ đạt chuẩn các bộ tiêu chuẩn của Bộ Công Thương và Quốc Tế thì đây cũng không là thông tin đáng lo ngại.
Đứng trước các thách thức toàn ngành trong nước và thế giới, các vấn đề đang xảy ra đều hướng đến việc loại bỏ sản phẩm inox kém chất lượng khỏi thị trường. Đây là một trong những bước mang tính đào thải khi thị trường đã bắt đầu rơi vào giai đoạn bão hòa. Những doanh nghiệp còn sống sót sau những đợt sóng lớn này đều là những doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh bền vững.
Bất kì ngành nào cũng sẽ có những khoảng thời gian tiêu cực, ngành thép không gỉ Việt Nam luôn có cơ hội phát triển ở thương trường quốc tế nếu biết vận dụng thời điểm ảm đạm này làm bàn đạp. Tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm luôn là cách tốt nhất để chuẩn bị trở lại thời kì bùng nổ của ngành thép.